“Làng nghề phở khô trăm tuổi bên sông Kỳ Cùng” cùng mình tìm hiểu nhé
Làng nghề phở khô trăm tuổi bên sông Kỳ Cùng nay là xã Tân Liên, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) nằm bên dòng sông Kỳ Cùng trước nổi danh với nghề làm cao khô (phở khô) nay dần mai một, hiện chỉ còn khoảng 1-2 hộ bám trụ với nghề.
Về Phố Ngầu một ngày giữa tháng giữa tháng 7, trong cái nắng như lửa đốt, những người thợ làm cao khô còn lại của làng đang mang những tấm mành bánh phở còn ướt ra sân phơi.
Trong ngôi nhà nhỏ, nơi có những âm thanh tách tách vang vang, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Bột cùng vợ đang thái mẻ bánh phở để kịp mang hong nắng.
Vừa nhấp ngụm nước chè ông Bột vừa tâm sự: “Nghề làm cao khô có tuổi lên đến hàng trăm năm vì bố mẹ, ông bà của ông tôi đã làm nghề này. Nghề này năm xưa phát triển bao nhiêu thì giờ bị quên lãng bấy nhiêu”.
Điểm thú vị ở làng nghề này đó là trước kia cả làng cùng làm cao khô mang bán nhưng tất cả các hộ đều phải dậy sớm xếp hàng đợi để gánh nước ở giếng nước đầu làng. Theo nhiều bậc cao niên trong làng thì hồi đó mọi người cứ truyền tai nhau rằng bánh phở khô làm bằng nước giếng này sẽ dẻo và ngon hơn.
“Đó là cái thời mà bánh phở phố Lầu được ưa chuộng, được nhiều người biết đến. Còn giờ, mấy nhà còn làm nghề đều sử dụng nước giếng khoan chứ không còn phải đi xếp hàng gánh nước như xưa nữa”, ông Bột nhớ lại.
Mấy năm trở lại đây, làng nghề gặp rất nhiều khó khăn. Sự phát triển của các sản phẩm mỳ ăn liền, nhiều loại mì, nhiều loại cao khô cùng xuất hiện trên thị trường gây ra sự cạnh tranh lớn dẫn đến thu hẹp đầu ra của sản phẩm. “Trước 30 thì bây giờ chắc chỉ còn 1. Những người còn sức khỏe đi làm công nhân hết, thu nhập được cao hơn. Thanh niên, người trẻ bây giờ chẳng ai mặn mà với cái nghề này nữa. Giờ chỉ còn 1- 2 nhà làm chủ yếu là người già làm thôi. Tính ra ngày chỉ kiếm được chục nghìn bạc, đủ ăn bát bún”, ông Bột tiếc nuối.
Mỗi sản phẩm của làng có giá khoảng 15000- 20.000 đồng/túi nhưng phải làm mất 2,3 ngày mới xong một mẻ. Trung bình một tuần gia đình ông Bột làm khoảng 100kg gạo chia làm 2 mẻ. “Làm nghề này chỉ mong ngày nào cũng nắng to, vì nếu tráng bánh vào đúng trời mưa là xác định số bánh phở đó đổ đi”.
“Đây là nghề đã tồn tại nuôi lớn biết bao thế hệ, nhiều người cũng cùng nhau cố giữ nghề nhưng sắp không cố được rồi. Ngày xưa đầu tư mua máy móc nhưng giờ người dân ở trong làng đều đi công ty, đi chặt mía thuê bên Trung Quốc, máy móc vứt xó bếp hoen gỉ. Làm cao khô vất vả, mà đầu ra thì không có chủ yếu tự mang bán tại các chợ phiên nên người trẻ giờ chẳng ai còn muốn làm. Giờ nhà tôi mà không làm nữa thì chắc chẳng còn ai biết đến cao khô phố Lầu nữa”, ông Bột tâm sự.
Trao đổi với Dân Việt, ông Chu A Lằn Phó thôn Phố Ngầu cho biết: Phố Ngầu theo tiếng dân tộc gọi là Háng Ngầu trước đây vốn là khu chợ buôn bán sầm uất nổi tiếng với nghề làm cao khô (bánh phở khô). Do chiến tranh chợ phải sơ tán đi nơi khác nhưng người dân trong làng vẫn duy trì nghề làm cao khô thủ công. Khoảng những năm 2000 đổ về trước đó, nghề này rất phát triển, cả làng làm cao khô mang bán. Nhưng từ năm 2000, 2002 đến nay 54 hộ thì còn 2 hộ bám trụ với nghề của ông cha. Hầu hết người làm nghề đều hơn 50 tuổi. Sản phẩm của người dân chủ yếu tự mang bán tại các phiên chợ.
“Là một nghề truyền thống nhưng nghề này có nguy cơ mai một vì ngày càng nhiều khó khăn. Đầu ra khó, sức cạnh tranh yếu so với các sản phẩm khác khiến thu nhập từ nghề không cao. Thật khó để giới trẻ theo nghề, chỉ còn các ông, các bà vẫn lưu luyến làng nghề cổ này thôi”, ông Lằn chia sẻ.